Longform Justify
Tuy nhiên, số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn cho thấy, chuyển đổi số ngành logistics nói chung, tại các doanh nghiệp logistics trên địa bàn thành phố nói riêng còn rất khiêm tốn. Trong báo cáo của Bộ Công Thương, có 90,5% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đang ở giai đoạn số hoá; chỉ có 5% số doanh nghiệp tiến lên cấp độ trực quan hoá, 2,2% ở cấp độ 4 là minh bạch hóa. Nhất là chỉ có 1,9% số DN dịch vụ logistics tiến lên cấp độ 5 là có khả năng dự báo; 0,4% số DN đạt đến cấp độ cao nhất- cấp độ 6, có khả năng thích ứng. Các DN dịch vụ logistics thực hiện chuyển đổi số đạt từ cấp độ 3 trở lên chủ yếu tập trung ở nhóm DN quy mô lớn. Còn theo phản ánh chung của các DN, chuyển đổi số còn gặp khó khăn, trở ngại, từ việc lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện chuyển đổi số…đến nguồn lực thực hiện. Với các DN đã, đang thực hiện chuyển đổi số, khó khăn còn do chuyển đổi số không đồng đều trong cộng đồng DN khiến việc kết nối, liên thông dữ liệu bị hạn chế.
Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong đó có nội dung "Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại hình dịch vụ mới, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, pháp lý, y tế, giáo dục - đào tạo, viễn thông và công nghệ thông tin, logistics và vận tải phân phối”. Nghị quyết số 52- NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định logistics là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số. Trong khi đó, theo quy hoạch mạng lưới logistics của thành phố, diện tích phục vụ cơ sở hạ tầng lĩnh vực này đến năm 2030 đạt khoảng 1.700- 2.000 ha, đến năm 2040 khoảng 2.200- 2.500 ha, gồm trung tâm logistics quốc tế và cấp vùng ở khu vực Đình Vũ - Cát Hải; các trung tâm logistics cấp thành phố, trung tâm logistics chuyên dụng, trung tâm logistics hỗ trợ gắn với các đầu mối giao thương chính. Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định sẽ hình thành các trung tâm dịch vụ lớn mang tầm khu vực và thế giới về thương mại, du lịch, tài chính, logistics ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Để đạt mục tiêu này, chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, trong đó có việc thúc đẩy chuyển đổi số trong cộng đồng DN logistics. Với khoảng 1000 DN logistics trên địa bàn, chuyển đổi số hoạt động logistics không chỉ tạo ra sự phát triển cho lĩnh vực này tại Hải Phòng, mà còn là động lực, là sợi dây liên kết kéo theo sự phát triển ngành logistics và kinh tế của cả vùng đồng bằng sông Hồng.